Bảo hiểm xã hội là gì? Vì sao cần phải đóng bảo hiểm xã hội?
Bảo hiểm xã hội luôn là những vấn đề gây tranh cãi trong các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay có rất nhiều người lao động không muốn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vậy bảo hiểm xã hội là gì và tại sao cần phải đóng bảo hiểm xã hội. Trong bài viết dưới đây, Luật Hồng Phúc xin giải đáp thắc mắc nêu trên đến Quý khách hàng.
- Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Hiện nay bảo hiểm xã hội gồm có 2 loại là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể:
– Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng các chế độ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất khi đáp ứng đủ các điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật.
– Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo quy định tại Điều 85, 86 Luật bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động bình thường là 8% và người sử dụng lao động phải đóng 14%. Đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức đóng bảo hiểm bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn (mức thu nhập phải ít nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời Điểm đóng.
- Vì sao cần phải đóng bảo hiểm xã hội?
Thứ nhất, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bảo hiểm xã hội bắt buộc là bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Theo quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng. Ngoài ra, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền đối với các hành vi không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu,… Đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
Thứ hai, bảo hiểm xã hội sẽ bảo đảm thay thế hoặc bù đắp sự thiếu hụt về thu nhập của người lao động khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống khi tai nạn, ốm đau, Như vậy, khi người lao động bị ốm đau, không thể đi làm để có thu nhập thì bảo hiểm xã hội sẽ chi trả một phần tiền lương cho họ dựa trên mức hưởng và số ngày được hưởng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người lao động sẽ được đảm bảo an sinh tuổi già. Khi về già, đến tuổi nghỉ hưu thì người lao động sẽ không còn sức lao động, không thể tạo ra thu nhập thì bảo hiểm xã hội sẽ chi trả mức lương hưu hàng tháng cho họ dựa trên mức tiền lương bình quản tháng đóng bảo hiểm và trên số năm đóng bảo hiểm. Cho dù là đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người lao động đều được hưởng lương hưu. Đây là quy định nhằm đảm bảo an sinh tuổi già của mọi người nên nhà nước rất khuyến khích các cá nhân nên đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra thì bảo hiểm xã hội còn chi trả rất nhiều các chế độ khác. Nếu như không tham gia bảo hiểm xã hội thì khi gặp bất kỳ vấn đề gì thì người lao động và gia đình họ sẽ phải chịu những gánh nặng về kinh tế lớn. Bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng cho những người lao động và người sử dụng lao động có ký kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên với ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm xã hội, Nhà nước rất khuyến khích những người không có hợp đồng lao động vẫn nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thứ ba, tham gia đóng bảo hiểm xã hội cũng là cách thức tương trợ, chia sẻ giữa các nhóm người. Bảo hiểm xã hội đã lấy số đông bù số ít và thực hiện chức năng phân phối lại thu nhập theo cả chiều dọc và chiều ngang giữa những người lao động có thu nhập thấp hơn, giữa những người khoẻ mạnh đang làm việc với những người ốm yếu phải nghỉ việc. Như vậy, bảo hiểm xã hội góp phần bảo đảm sự “thăng bằng” về thu nhập cho người lao động và gia đình họ. Điều này đã góp một phần vào việc thực hiện công bằng xã hội.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi nhằm giải đáp thắc mắc Bảo hiểm xã hội là gì và vì sao cần phải đóng bảo hiểm xã hội. Luật Hồng Phúc đơn vị chuyên thực hiện, hỗ trợ quý khách hàng thủ tục liên quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian nhanh nhất. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số:
Hotline: 090.234.6164 –0964.049.410 hoặc liên hệ qua emai: info@luathongphuc.vn hoặc anhpham@luathongphuc.vn.