Nội dung chính
Hiện nay với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật hiện đại đã kéo theo việc mở rộng ngày càng nhiều các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu phát triển của thị trường hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp, pháp luật hiện hành đã quy định ngày càng chặt chẽ hơn về việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh. Một trong những thủ tục hết sức quan trọng mà các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần chú ý để đảm bảo việc kinh doanh đúng quy định đó là đăng ký ngành nghề kinh doanh. Vậy Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định như thế nào về việc đăng ký ngành nghề kinh doanh? Cách đăng ký ngành nghề kinh doanh như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết sau, Luật Hồng Phúc sẽ tư vấn cụ thể cho quý khách hàng về cách đăng ký ngành nghề kinh doanh.
- Căn cứ pháp lý
– Luật Doanh nghiệp năm 2020;
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
– Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 07 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam.
- Ngành nghề kinh doanh là gì?
Dựa theo quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành và các văn bản hướng dẫn có liên quan thì ngành nghề kinh doanh có thể được hiểu là những ngành kinh tế được phân loại theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng chính phủ ban hành. Trong hệ thống ngành kinh tế, được quy định cụ thể mã từng ngành phân theo nhóm. Việc phân loại ngành nghề kinh doanh sẽ giúp nhà nước kiểm soát và quản lý việc chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, việc quy định ngành nghề kinh doanh chi tiết sẽ tạo lợi thế cho từng loại hình doanh nghiệp kinh doanh đặc thù trong mỗi công ty.
- Các trường hợp đăng ký ngành nghề kinh doanh
Các doanh nghiệp khi kinh doanh các ngành nghề thuộc danh mục phải đăng ký thì cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh trong các trường hợp sau:
– Đăng ký thành lập doanh nghiệp;
– Thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh;
– Khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Cách ghi ngành, nghề kinh doanh
Theo quy định tại Điều 23 Luật doanh nghiệp hiện hành thì ngành, nghề kinh doanh là một trong những nội dung mà doanh nghiệp cần phải ghi trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Do vậy, khi đăng ký doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp sẽ đăng ký ngành nghề kinh doanh mà các doanh nghiệp đã lựa chọn. Vậy ngành, nghề kinh doanh được ghi như thế nào trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Tại Quyết định số 27/2018/QĐTTg quy định hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp:
– Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U;
– Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;
– Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;
– Ngành cấp 4 gồm 486 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;
– Ngành cấp 5 gồm 734 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.
Theo đó, khi đăng ký ngành nghề kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp cần:
- Lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn để ghi Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành nghề kinh tế của Việt Nam. Sau đó ghi chi tiết ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề chi tiết đã ghi.
- Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thìngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam đồng thời chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành thì Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét ghi nhận vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
2. Số lượng ngành nghề kinh doanh được đăng ký
Luật doanh nghiệp hiện hành không giới hạn về số lượng ngành nghề kinh doanh tối đa. Theo đó, đã có khá nhiều doanh nghiệp đăng kí nhiều ngành nghề để Công ty được hoạt động, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực; không mất công đăng ký nhiều lần khi phát sinh ngành nghề muốn đăng ký.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc đăng ký quá nhiều sẽ có thể dẫn đến một số mặt tiêu cực như: khó xác định được ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp khi đăng ký hoăc có thể làm khách hàng cho rằng doanh nghiệp này không có sự chuyên nghiệp. Thêm vào đó, với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu muốn đăng ký thì doanh nghiệp phải đáp ứng đủ tất cả những điều kiện đó.
Như vậy, khi đăng ký ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp cần chú ý:
– Đăng ký ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.
– Đăng ký thêm một số ngành nghề kinh doanh dự kiến sẽ kinh doanh trong thời gian gần nhất.
– Đăng ký các ngành nghề về quản lý doanh nghiệp, liên quan và bổ trợ doanh nghiệp.
Trên đây là những thông tin tư vấn về cách đăng ký ngành nghề kinh doanh mà các doanh nghiệp cần phải nắm rõ theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành. Nếu còn những thắc mắc về thủ tục này hay những vấn đề pháp lý gì khác thì đừng quên liên hệ Luật Hồng Phúc để được giải đáp nhé./