Hợp tác xã là một loại mô hình tổ chức kinh tế ra đời từ lâu và được khuyến khích phát triển ở Việt Nam. Theo đó Hợp tác xã cùng với các loại hình doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác, hợp tác xã ngày nay vẫn tồn tại như một phần trong cơ cấu phát triển của nền kinh tế cả nước. Vậy thủ tục thành lập hợp tác xã như thế nào? Bài viết sau đây, Luật Hồng phúc sẽ tư vấn chi tiết cho quý khách hàng về thủ tục thành lập hợp tác xã.
Căn cứ pháp lý
– Luật Hợp tác xã 2012;
– Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã 2012;
– Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
– Nghị định 107/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã 2012;
– Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã;
– Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT sửa đổi Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã;
– Nghị định 45/2021/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
- Hợp tác xã là gì?
Theo Luật Hợp tác xã 2012, hợp tác xã được hiểu như sau:
Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
- Quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã
Quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã được quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật Hợp tác xã 2012.
+ Về quyền của hợp tác xã
– Thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã; tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của mình.
– Quyết định tổ chức quản lý và hoạt động của hợp tác xã; thuê và sử dụng lao động.
– Tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo ngành, nghề đã đăng ký nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên.
– Liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã.
– Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã.
– Quản lý, sử dụng, xử lý vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã.
– Thực hiện việc phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã.
– Tham gia các tổ chức đại diện của hợp tác xã.
– Khiếu nại hoặc thông qua người đại diện tố cáo các hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của hợp tác xã; xử lý thành viên vi phạm điều lệ và giải quyết tranh chấp nội bộ.
– Cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên và ra thị trường nhưng phải bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối với thành viên.
– Kết nạp mới, chấm dứt tư cách thành viên.
– Tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; huy động vốn và hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật.
+ Về nghĩa vụ của hợp tác xã
– Thực hiện các quy định của điều lệ.
– Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012.
– Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký.
– Thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên.
– Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê.
– Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
– Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho thành viên.
– Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã theo quy định của Chính phủ.
– Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho thành viên theo quy định của pháp luật.
– Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
– Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên khác được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã
Căn cứ theo Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT và Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT thì hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã bao gồm:
+ Giấy đề nghị đăng ký thành lập hợp tác xã;
+ Phương án sản xuất kinh doanh;
+ Danh sách thành viên;
+ Điều lệ của hợp tác xã;
+ Nghị quyết của hội nghị thành lập về những nội dung như:
– Bầu hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị; quyết định việc lựa chọn giám đốc (tổng giám đốc) trong số thành viên, đại diện hợp pháp của hợp tác xã thành viên hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc);
– Bầu ban kiểm soát, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
– Phương án sản xuất, kinh doanh;
– Các nội dung khác có liên quan đến việc thành lập và tổ chức, hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
- Trình tự, thủ tục thành lập hợp tác xã
Bước 1: Xác định nhu cầu hợp tác
- Đối tượng cần hợp tác.
- Điều kiện sản xuất kinh doanh, lợi thế và mối quan tâm của địa phương.
- Các thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của HTX.
Bước 2 : Sáng lập và công tác vận động
- Tìm sáng lập viên
- Vận động và chuẩn bị
- Xây dựng dự thảo Điều lệ HTX
- Sáng lập viên xây dựng Điều lệ hợp tác xã theo quy định tại Điều 21 Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Xây dựng dự thảo phương hướng sản xuất kinh doanh dịch vụ của HTX
- Xác lập danh sách những người có nhu cầu tham gia HTX
- Lấy ý kiến đóng góp của dân (những người sẽ là thành viên) về dự thảo Điều lệ và Phương hướng sản xuất kinh doanh dịch vụ của HTX.
- Họp bàn cơ cấu tổ chức HTX, đề cử các chức danh Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Trưởng Ban Kiểm soát hoặc kiểm soát viên.
Bước 3: Tổ chức Hội nghị thành lập HTX
Hội nghị thành lập HTX do sáng lập viên tổ chức.
Nội dung chính:
-Thông qua dự thảo Điều lệ;
– Thông qua Phương án sản xuất kinh doanh;
– Thông qua danh sách thành viên;
– Bầu cử hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, trưởng ban kiểm soát;
– Thông qua nghị quyết hội nghị thành lập HTX.
Bước 4: Đăng ký Hợp tác xã
Khi thành lập thì Hợp tác xã gửi tới cơ quan đăng ký Hợp tác xã nơi Hợp tác xã dự định đặt trụ sở chính 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập Hợp tác xã.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là những thông tin tư vấn về thành lập hợp tác xã mà Luật Hồng phúc cung cấp đến quý khách hàng. Nếu còn những thắc mắc về thủ tục này hay bất kỳ vấn đề pháp lý gì khác thì đừng quên liên hệ Luật Hồng Phúc (https://luathongphuc.info/) để được giải đáp nhé./