Nội dung chính
Quy chế pháp lý về kinh doanh lưu trú du lịch. Kinh doanh lưu trú du lịch là một thuật ngữ không còn xa lạ đối với cuộc sống con người chúng ta, tuy vậy nhưng không phải ai cũng hiểu được những quy chế pháp lý về kinh doanh lưu trú du lịch. Vì vậy, bài viết này Luật Hồng Phúc xin cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về quy chế pháp lý về kinh doanh lưu trú du lịch.
Căn cứ pháp lý:
- Luật doanh nghiệp 2020;
- Luật du lịch 2017;
- Nghị định 45/2019/NĐ-CP;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP;
- Nghị định 168/2017/NĐ-CP;
- Nghị định 142/2018/NĐ-CP.
Kinh doanh lưu trú du lịch là gì ?
Căn cứ theo Luật du lịch 2017 thì ta có thể hiểu về kinh doanh lưu trú du lịch là kinh doanh các cơ sở lưu trú theo quy định của Luật du lịch và các hình thức dịch vụ cho thuê lưu trú khác, hoạt động trên đất liền hoặc trên các phương tiện tàu thủy lưu trú du lịch. Cụ thể hơn là là việc cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch ngắn hạn, dài hạn kèm theo các dịch vụ khác như ăn uống, sức khỏe, giải trí…
Các loại cơ sở lưu trú du lịch
Theo quy định tại Điều 48, Luật du lịch 2017 về các loại cơ sở lưu trú du lịch thì có 8 loại cơ sở lưu trú du lịch như sau:
- Khách sạn
- Biệt thự du lịch
- Căn hộ du lịch
- Tàu thủy lưu trú du lịch
- Nhà nghỉ du lịch
- Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê
- Bãi cắm trại du lịch
- Các cơ sở lưu trú du lịch khác
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
Căn cứ Điều 53 Luật du lịch 2017 thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được quy định như sau:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có quyền sau đây:
- Từ chối tiếp nhận khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của cơ sở lưu trú du lịch hoặc khi cơ sở lưu trú du lịch không còn khả năng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch;
- Hủy bỏ hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của cơ sở lưu trú du lịch.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nghĩa vụ sau đây:
- Bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật này;
- Niêm yết công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch;
- Bồi thường thiệt hại cho khách du lịch theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật;
- Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch;
- Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đã được công nhận hạng có quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
- Treo biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch và quảng cáo đúng với loại, hạng đã được công nhận;
- Duy trì chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo đúng loại, hạng đã được công nhận.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
Căn cứ theo Điều 49 Luật du lịch 2017 thì điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch được quy định như sau:
- Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật
- Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Luật cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định về thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Quy định về hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch
Về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch thì được quy định tại Điều 50 Luật du lịch 2017 cần phải đảm bảo các tiêu chí sau:
- Thứ nhất, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thứ hai, khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 01 sao, 02 sao, 03 sao, 04 sao và 05 sao.
Về thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được quy định như sau:
- Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và hạng 05 sao;
- Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 01 sao, hạng 02 sao và hạng 03 sao.
Về hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm:
- Đơn đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
- Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch;
- Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý, trưởng bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch.
Trên đây là một số quy định về quy chế pháp lý về kinh doanh lưu trú du lịch mà Luật Hồng phúc cung cấp đến quý khách hàng. Nếu còn những thắc mắc về thủ tục này hay bất kỳ vấn đề pháp lý gì khác thì đừng quên liên hệ Luật Hồng Phúc để được giải đáp nhé.
- Quy chế pháp lý về hướng dẫn viên du lịch
- Quy chế pháp lý về khu du lịch
- Tiểu Luận pháp luật về kinh doanh lưu trú du lịch
- Kinh doanh lưu trú du lịch là gì
- Vai trò của kinh doanh lưu trú du lịch
- Đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch
- Tìm hiểu chế độ pháp lý về khu du lịch
- Câu hỏi quy chế pháp lý về khách du lịch