Nội dung chính
Trong công ty hợp danh, có hai loại thành viên gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Trong đó, chế độ pháp lý của thành viên góp vốn sẽ giới hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Vậy, các vấn đề liên quan của việc thay đổi thành viên góp vốn sẽ được thực hiện như thế nào, hãy cùng Luật Hồng Phúc tìm hiểu thông qua nội dung bài viết dưới đây:
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020
- Nghị định số 01/2021/NĐ- CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp
Điều kiện trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh
- Đáp ứng các điều kiện chung khi cá nhân muốn trở thành thành viên của công ty.
- Thành viên góp vốn của công ty hợp danh có thể là cá nhân hoặc tổ chức và nếu là cá nhân thì không thuộc các trường hợp bị cấm theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Góp vốn và được ghi vào Điều lệ công ty. Thành viên góp vốn cần thực hiện việc góp đúng và đủ vốn vào công ty theo thỏa thuận. Khi không góp đủ vốn hoặc góp vốn không đúng hạn gây thiệt hại cho công ty, thành viên góp vốn sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại. Khi góp đúng và đủ vốn đã cam kết, thành viên sẽ nhận được giấy chứng nhận góp vốn.
- Có chứng chỉ hành nghề nếu ngành nghề kinh doanh của công ty yêu cầu phải có chứng chỉ.
- Là tổ chức hoặc cá nhân chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty, khác với thành viên hợp danh thì sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh
Quyền của thành viên góp vốn công ty hợp danh
- Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại, giải thể công ty và nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ;
- Được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty;
- Được cung cấp báo cáo tài chính hằng năm của công ty; có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty; xem xét sổ kế toán, biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và tài liệu khác của công ty;
- Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;
- Nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác tiến hành kinh doanh ngành, nghề kinh doanh của công ty;
- Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; trường hợp chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty;
- Được chia một phần giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản;
- Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Nghĩa vụ của thành viên góp vốn công ty
- Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp;
- Không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty;
- Tuân thủ Điều lệ công ty, nghị quyết và quyết định của Hội đồng thành viên;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Mặc dù thành viên hợp danh và thành viên góp vốn đều thuộc công ty hợp danh, cũng đều có quyền tham gia họp thảo luận tại Hội đồng thành viên, cùng hưởng lợi nhuận từ doanh nghiệp, cùng chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp nhưng thành viên góp vốn vẫn có những tính chất khác với thành viên hợp danh.
Cụ thể là thành viên hợp danh bắt buộc phải có khi sáng lập công ty hợp danh còn thành viên góp vốn thì không và mức độ chịu trách nhiệm các nghĩa vụ tài sản, thì nếu thành viên hợp danh chịu trách nhiệm một cách vô hạn về tài sản, còn thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn đã góp.
Trường hợp thay đổi thành viên góp vốn của công ty hợp danh
- Trước khi thực hiện thay đổi thành viên góp vốn thì thành viên góp vốn trước đó phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Nếu không góp đủ và đúng hạn thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty, trong trường hợp này, thành viên góp vốn có thể bị khai từ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên. Sau khi khai trừ.
- Các trường hợp thay đổi thành viên góp vốn do tự nguyện hoặc vì các lý do khách quan khác không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công ty hợp danh với danh nghĩa là thành viên góp vốn.
- Tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới.
- Chuyển nhượng một phần hay toàn bộ phần vốn cho cá nhân, tổ chức khác
Hồ sơ thay đổi thành viên góp vốn của công ty hợp danh
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của công ty ký
- Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên góp vốn mới của công ty
- Danh sách thành viên góp vốn mới của công ty hợp danh
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp thành viên mới cá nhân.
- Giấy ủy quyền thực hiện các thủ tục thay đổi thành viên góp vốn của công ty hợp danh
Thủ tục thay đổi thành viên góp vốn của công ty hợp danh
Bước 1: Công ty chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ cần thiết đã được đề cập ở trên.
Bước 2: Công ty gửi hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh
Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh sẽ trao giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hợp sơ
Bước 4: Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp cho công ty một giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, trong đó, bổ sung thành viên góp vốn mới của công ty hợp danh
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp quý bạn đọc hiểu rõ về những thông tin cơ bản của thay đổi thành viên góp vốn của công ty hợp danh. Nếu cần thêm thông tin hoặc tư vấn chi tiết, xin hãy liên hệ ngay Luật Hồng Phúc để được hỗ trợ. Xin chân thành cảm ơn!
Hotline: 090 234 6164 – 0964 049 410
Emai: info@luathongphuc.vn/anhpham@luathongphuc.vn