KHÁI QUÁT VỀ VẬN ĐƠN ĐƯỜNG BIỂN
- Khái niệm về vận đơn bằng đường biển
Vận đơn: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 148 Bộ luật Hàng hải 2015 quy định: Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hoá với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hoá dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển.
Vận đơn đường biển (B/L – Bill Of Lading): Theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Công ước của Liên hiệp quốc về chuyên chở hàng hóa bằng đường biển 1978; Vận đơn đường biển là một chứng từ làm bằng chứng cho một hợp đồng vận tải đường biển và cho việc người chuyên chở đã nhận hàng để chở hoặc xếp hàng xuống tàu và bằng vận đơn này, người chuyên chở cam kết sẽ giao hàng khi xuất trình nó. Một điều khoản trong chứng từ này quy định rằng lô hàng phải được giao theo lệnh của người được ghi đích danh hoặc giao theo lệnh, hoặc giao cho người cầm vận đơn chính là sự cam kết đó.
- Chức năng của vận đường biển.
- * Vận đơn có 3 chức năng chính sau đây:
- Thứ nhất, vận đơn là “bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận lên tàu số hàng hoá với số lượng, chủng loại, tình trạng như ghi rõ trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng”.
+ Thực hiện chức năng này, vận đơn là biên lai nhận hàng của người chuyên chở cấp cho người xếp hàng. Nếu không có ghi chú gì trên vận đơn thì những hàng hoá ghi trong đó đương nhiên được thừa nhận có “Tình trạng bên ngoài thích hợp” (In apperent good order and condition).
+ Ðiều này cũng có nghĩa là người bán (người xuất khẩu) đã giao hàng cho người mua (người nhập khẩu) thông qua người chuyên chở và người chuyên chở nhận hàng hoá như thế nào thì phải giao cho người cầm vận đơn gốc một cách hợp pháp như đã ghi trên vận đơn ở cảng dỡ hàng.
- Thứ hai, “vận đơn gốc là chứng từ có giá trị, dùng để định đoạt và nhận hàng” hay nói đơn giản hơn vận đơn là chứng từ xác nhận quyền sở hữu hàng hoá ghi trong vận đơn. Vì vậy, vận đơn có thể mua bán, chuyển nhượng được. Việc mua bán, chuyển nhượng có thể được thực hiện nhiều lần trước khi hàng hoá được giao. Cứ mỗi lần chuyển nhượng như vậy, người cầm vận đơn gốc trong tay là chủ của hàng hoá ghi trong vận đơn, có quyền đòi người chuyên chở giao hàng cho mình theo điều kiện đã quy định trong vận đơn tại cảng đến.
- Thứ ba, vận đơn đường biển là bằng chứng xác nhận hợp đồng chuyên chở hàng hoá bằng đường biển đã được ký kết.Trong trường hợp thuê tầu chuyến, trước khi cấp vận đơn đường biển, người thuê tầu và người cho thuê tầu đã ký kết với nhau một hợp đồng thuê tầu chuyến (charter party).
- Khi hàng hoá được xếp hay được nhận để xếp lên tàu, người chuyên chở cấp cho người gửi hàng vận đơn đường biển. Vận đơn được cấp xác nhận hợp đồng vận tải đã được ký kết.
- Trong trường hợp thuê tàu chợ thì không có sự ký kết trước một hợp đồng thuê tầu như thuê tầu chuyến mà chỉ có sự cam kết (từ phía tầu hay người chuyên chở) sẽ dành chỗ xếp hàng cho người thuê tàu.
- Vậy vận đơn được cấp là bằng chứng duy nhất xác nhận hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển đã được ký kết. Nội dung của vận đơn là cơ sở pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp xảy ra sau này giữa người phát hành và người cầm giữ vận đơn.
- Ký phát vận đơn đường biển.
- * Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hàng hải 2015 quy định về người ký phát vận đơn:
- Theo yêu cầu của người giao hàng, người vận chuyển có nghĩa vụ ký phát cho người giao hàng một bộ vận đơn.
- Vận đơn có thể được ký phát dưới dạng sau đây:
+ Ghi rõ tên người nhận hàng, gọi là vận đơn đích danh.
+ Ghi rõ tên người giao hàng hoặc tên những người do người giao hàng chỉ định phát lệnh trả hàng, gọi là vận đơn theo lệnh.
+ Không ghi rõ tên người nhận hàng hoặc người phát lệnh trả hàng, gọi là vận đơn vô danh.
- Trường hợp trong vận đơn theo lệnh không ghi rõ tên người phát lệnh trả hàng thì người giao hàng mặc nhiên được coi là người có quyền đó.
- Ký hậu vận đơn đường biển.
- * To order Bill of Lading là Vận đơn theo lệnh, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ký hậu vận đơn đường biển nhé.
- Định nghĩa về vận đơn theo lệnh “To order B/L”: Là vận đơn mà hàng hóa ghi trong vận đơn đó sẽ được giao theo lệnh của một người nào đó (trên mục Consignee của BL) bằng cách ký hậu lên mặt sau của vận đơn.
- Các loại vận đơn theo lệnh : Chia theo cách ai là người ký hậu vận đơn thì có 3 loại vận đơn theo lệnh đó là :
+ To order of a named person (Theo lệnh của một người đích danh nào đó): Với vận đơn này hàng sẽ được giao theo lệnh của người, công ty hay tổ chức nào đó được ghi trong cột “Consignee” hoặc “To order of ” của vận đơn bằng cách người đó sẽ ký hậu vào mặt sau của vận đơn và ghi tên người nhận hàng vào đó.
+ To order of a issuing bank (Theo lệnh của ngân hàng phát hành): Tương tự với “To order of a named person” B/L nhưng thay vào đó là ngân hàng được ghi trên vận đơn sẽ ký hậu vào mặt sau của vận đơn.
+ To order of shipper (Theo lệnh của người gửi hàng): Với vận đơn này thì hàng sẽ được giao cho người được chỉ định của người ký hậu, người ký hậu chính là người gửi hàng (shipper). Đôi khi trên vận đơn chỉ cần viết “To order” thì đương nhiên được hiểu đó là theo lệnh của người gửi hàng.
- Cách ký hậu trong vận đơn theo lệnh :
+ Ký hậu đích danh: Người ký hậu sẽ ký và đóng dấu vào mặt sau của vận đơn trong đó ghi đích danh tên của người được hưởng lợi và có thể ghi chú “Deliver to… – Giao hàng cho…” . Như vậy sau khi ký hậu thì vận đơn này trở thành vận đơn đích danh và là người hưởng lợi cuối cùng.
+ Ký hậu theo lệnh: Với kiểu ký hậu này “To order of …. “– Giao hàng theo lệnh của ” thì người được hưởng lợi lại tiếp tục được phép chuyển nhượng vận đơn cho người tiếp theo bằng cách ký hậu thêm một lần nữa ở phía mặt sau của vận đơn. Trong trường hợp không chuyển nhượng tiếp thì người được hưởng lợi sẽ cầm vận đơn đi lấy hàng như là người hưởng lợi cuối cùng.
+ Ký hậu cho chính người ký hậu : Trong trường hợp người ký hậu vận đơn lại chính là người hưởng lợi cuối cùng hay nói cách khác là người đi nhận lô hàng đó thì chỉ cần ký và đóng dấu là có thể cầm vận đơn đi lấy hàng, nếu cẩn thận hơn ta có thể ghi thêm câu ” Delivery to myself – Giao hàng cho chính tôi”. Nhưng đây là lý thuyết, thực tế thì vô cùng ít trường hợp như này.
+ Ký hậu miễn truy đòi: Thông thường thì người ký hậu vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới cho việc giao hàng đến người hưởng thụ cuối cùng trong trường hợp người hưởng thụ cầm vận đơn ký hâu mà không nhận được hàng. Tuy nhiên để tránh ràng buộc trách nhiệm với người hưởng thụ ngày, người ký hậu có thể thêm câu “Without recourse endorsement – Miễn truy đòi” bên cạnh chữ ký của mình.
- Tác dụng của vận đơn đường biển
- * Vận đơn đường biển có những tác dụng chủ yếu sau đây:
- Vận đơn là cơ sở pháp lý điều chỉnh mối quan hệ giữa người xếp hàng, nhận hàng và người chuyên chở.
- Vận đơn là căn cứ để khai hải quan và làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá thành trách nhiệm của mình như quy định trong hợp đồng mua bán ngoại thương (vận đơn).
- Vận đơn cùng các chứng từ khác của hàng hoá lập thành bộ chứng từ thanh toán tiền hàng.
- Vận đơn là chứng từ quan trọng trong bộ chứng từ khiếu nại người bảo hiểm, hay những người khác có liên quan.
- Vận đơn còn được sử dụng làm chứng từ để cầm cố, mua bán, chuyển nhượng hàng hoá ghi trên vận đơn.
Như vậy Luật Hồng Phúc đã giới thiệu đến khách hàng sơ lượt về thuật ngữ vận đơn đường biển. Khách hàng có vướng mắc có thể liên hệ công ty Luật Hồng Phúc để được hỗ trợ thêm thông qua: Hotline: 090.234.6164 –0964.049.410 hoặc liên hệ qua emai: info@luathongphuc.vn hoặc anhpham@luathongphuc.vn