Nội dung chính
Định kỳ mỗi quý một lần doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp báo cáo cho Cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể hàng quý doanh nghiệp phải tiến hành nộp báo cáo thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Vậy theo quy định thời hạn nộp báo cáo quý như thế nào? Các trường hợp chậm nộp báo cáo quý bị xử lý ra sao? Hãy tìm hiểu cùng Luật Hồng Phúc tại bài viết này nhé.
Cơ sơ pháp lý
- Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 16/3/2019;
- Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;
Quy định về thời gian nộp báo cáo quý
- Điểm b Khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế quy định: “Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý”
- Như vậy chậm nhất ngày 30/4 doanh nghiệp phải nộp báo cáo quý 1; ngày 30/7 phải nộp báo cáo quý 2; ngày 31/10 nộp báo cáo quý 3 và chậm nhất ngày 31/01 phải nộp báo cáo quý 4.
Xử phạt chậm nộp báo cáo quý
Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
- Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
- Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
- Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tạikhoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế. Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
- Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.”
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về báo cáo về hóa đơn
Điều 29 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 29. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định mà có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
- Lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo về hóa đơn theo quy định gửi cơ quan thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân tự phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì không bị xử phạt.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 11 ngày đến 20 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 21 ngày đến 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định;
- Không nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế theo quy định.
- Các hành vi vi phạm về lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn đã được quy định tại Điều 23, 25 Nghị định này thì không áp dụng Điều này khi xử phạt vi phạm hành chính.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 5 Điều này”
Như vậy: Căn cứ theo thời gian quá hạn nộp báo cáo mà doanh nghiệp sẽ bị áp dụng các hình thức phạt cảnh cáo, mức phạt tiền nêu trên.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hồng Phúc liên quan đến vấn đề “Quy định xử phạt chậm Báo cáo quý”.
Nếu Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào hay muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline: 090 234 6164 hoặc qua email: info@luathongphuc.vn
Xin chân thành cảm ơn.