• Luật Hồng Phúc

Thủ tục mở công ty bảo hiểm

  1. 14/02/2022
  2. 1,869

Thủ tục mở công ty bảo hiểm

Thủ tục mở công ty bảo hiểm

Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng hóa là những vấn đề mà rất nhiều người đang quan tâm.Vậy làm sao để thành lập một công ty bảo hiểm. Sau đây Luật Hồng Phúc sẽ giới thiệu đến quý khách hàng quy trình thành lập công ty bảo hiểm theo quy định mới nhất hiện nay.

 

  1. Kinh doanh bảo hiểm là gì?

Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Theo quy định tại Điều 63 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (được sửa đổi bổ sung năm 2010, 2019) quy định các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty kinh doanh bảo hiểm gồm có:

  • Có số vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ;
  • Có hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
  • Có loại hình doanh nghiệp và điều lệ phù hợp với quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật;
  • Người quản trị, người điều hành có năng lực quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm.
  1. Một số đặc điểm của công ty kinh doanh bảo hiểm
  • Đối tượng kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm rất đa dạng bao gồm có bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người và bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
  • Bảo hiểm là một ngành nghề kinh doanh có nguồn vốn lớn. Do khi tham gia bảo hiểm, các cá nhân, tổ chức phải đóng một khoản tiền nên công ty bảo hiểm sẽ nắm giữ nguồn vốn lớn. Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải có kế hoạch đầu tư thật kỹ lưỡng và chính xác.
  • Hoạt động kinh doanh bảo hiểm luôn luôn phải có dự phòng bảo hiểm. Doanh nghiệp luôn phải duy trì khả năng thanh toán của mình và khi có mất nguy cơ thanh toán thì doanh nghiệp phải phục hồi ngay hoặc báo cáo với Bộ Tài chính.
  1. Chuẩn bị trước khi thành lập công ty kinh doanh bảo hiểm
  • Chuẩn bị tên công ty kinh doanh bảo hiểm:

Theo quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020, tên công ty kinh doanh bảo hiểm gồm 2 thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng doanh nghiệp:

  • Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
  • Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
  • Ngoài ra, tên doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện không vi phạm quy định tại Điều 38, 39 của Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Chuẩn bị trụ sở công ty kinh doanh bảo hiểm:
  • Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có) và phải là nơi thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp.

Lưu ý: Công ty bảo hiểm không được đăng ký trụ sở tại chung cư và nhà tập thể vì theo quy định luật Nhà ở, chung cư và nhà tập thể chỉ nhằm mục đích ở, không nhằm mục đích kinh doanh.

  • Chuẩn bị nghành nghề kinh doanh của công ty kinh doanh bảo hiểm

Các ngành nghề liên quan đến kinh doanh bảo hiểm được quy định như sau:

  • 6511 : Bảo hiểm nhân thọ;
  • 6512: Bảo hiểm phi nhân thọ;
  • 6513: Bảo hiểm sức khỏe;
  • Ngoài ra doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể lựa chọn một số ngành nghề kinh doanh khách để đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
  • Chuẩn bị vốn điều lệ:

Kinh doanh bảo hiểm là một ngành nghề có điều kiện về vốn pháp định. Cụ thể:

  • Đối với bảo hiểm phi nhân thọ:

+ Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (không  bao gồm kinh doanh bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm kinh doanh bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh và bảo hiểm sức khỏe: 350 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm kinh doanh bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh và bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;

  • Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

+ Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam;

+  Kinh doanh bảo hiểm  bao gồm bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm sức khoẻ: 800 tỷ đồng Việt Nam;

+  Kinh doanh bảo hiểm bao gồm bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe: 1.000 tỷ đồng Việt Nam;

  • Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam
  • Mức vốn pháp định của chi nhánh nước ngoài:

+ Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe: 200 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe: 250 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam.

  • Mức vốn pháp định của doanh nghiệp tái bảo hiểm:

+ Kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 700 tỷ đồng Việt Nam;

+Kinh doanh cả 3 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.100 tỷ đồng Việt Nam.

  • Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:

+ Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 4 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm: 8 tỷ đồng Việt Nam.

  1. Thành phần hồ sơ cần chuẩn bị khi thực hiện thủ tục thành lập công ty kinh doanh bảo hiểm

Các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:

  • Công ty cổ phần bảo hiểm;
  • Tổ chức bảo hiểm tương hỗ;
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm;
  • Hợp tác xã bảo hiểm.

*) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm:

– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định;

Điều lệ công ty;

– Phương án hoạt động 05 năm đầu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ thị trường mục tiêu, kênh phân phối, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm;

– Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, chuyên gia tính toán hoặc chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán, kế toán trưởng của doanh nghiệp bảo hiểm;

– Danh sách thành viên sáng lập hoặc góp từ 10% vốn điều lệ trở lên và các giấy tờ được quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định 73/2016/NĐ-CP;

– Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai;

– Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng;

– Hợp đồng hợp tác theo quy định tại Điều 19 Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài cùng góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên);

– Biên bản họp của các thành viên góp vốn (đối với hồ sơ đề nghị thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên);

–  Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức nước ngoài góp vốn đóng trụ sở chính xác nhận các thông tin được quy định tại khoản 10 Điều 11 Nghị định 73/2016/NĐ-CP;

– Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức Việt Nam góp vốn đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định pháp luật chuyên ngành;

– Văn bản cam kết của các thành viên góp vốn đối với việc đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy phép theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 73/2016/NĐ-CP;

– Văn bản về việc ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức thay mặt thành viên góp vốn để thực hiện các thủ tục đề nghị cấp Giấy phép.

*) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty cổ phần bảo hiểm

– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.

Điều lệ doanh nghiệp

– Phương án hoạt động 05 năm đầu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ thị trường mục tiêu, kênh phân phối, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

– Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao các văn bằng, chứng chỉ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, chuyên gia tính toán hoặc chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán, kế toán trưởng của doanh nghiệp bảo hiểm.

– Danh sách cổ đông sáng lập và các giấy tờ được quy đinh tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 73/2016/NĐ-CP

–  Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm dự kiến tiến hành triển khai.

– Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng.

– Biên bản họp của các cổ đông

–  Biên bản về việc ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức thay mặt cho các cổ đông chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp Giấy phép.

– Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức Việt Nam góp vốn đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định pháp luật chuyên ngành.

– Trường hợp tổ chức nước ngoài là doanh nghiệp bảo hiểm thì phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi doanh nghiệp bảo hiểm đóng trụ sở chính xác nhận các vấn đề được quy định tại  khoản 11 Điều 12 Nghị định 73/2016/NĐ-CP;

– Văn bản cam kết của các cổ đông đối với việc đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

*) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của chi nhánh nước ngoài

–  Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.

– Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh nước ngoài đã được doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phê chuẩn.

–  Phương án hoạt động 05 năm đầu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của chi nhánh nước ngoài.

–  Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao các văn bằng, chứng chỉ của người dự kiến được bổ nhiệm là Giám đốc, chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán, kế toán trưởng của chi nhánh nước ngoài.

– Tài liệu về doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bao gồm các tài liệu được quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 73/2016/NĐ-CP;

–  Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm dự kiến tiến hành triển khai.

–  Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn được cấp gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng.

– Văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đóng trụ sở chính xác nhận các vấn đề được quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định 73/2016/NĐ-CP

– Văn bản cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

*) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.

– Điều lệ Công ty

– Phương án hoạt động 05 năm đầu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ hoạt động đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh của việc thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

– Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao các văn bằng, chứng chỉ của Chủ tịch Công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, kế toán trưởng của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

–  Danh sách cổ đông (hoặc thành viên) sáng lập hoặc góp từ 10% vốn điều lệ trở lên và các giấy tờ kèm theo được quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 73/2016/NĐ-CP

– Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng.

–  Hợp đồng hợp tác theo quy định tại Điều 19 Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài cùng góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên).

– Biên bản họp của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập

–  Biên bản về việc ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân góp vốn thay mặt cho cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp Giấy phép.

–  Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đóng trụ sở chính xác nhận về các vấn đề được quy định tại khoản 10 Điều 14 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

– Văn bản cam kết của tổ chức, cá nhân góp vốn đối với việc đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 9 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

  1. Trình tự thực hiện:
  • Doanh nghiệp sẽ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm những tài liệu nêu trên.
  • Sau khi hồ sơ thành lập công ty đã hoàn tất, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ đến Bộ Tài chính. Trong thời hạn 21 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Thời hạn bổ sung, sửa đổi hồ sơ của chủ đầu tư tối đa là 06 tháng kể từ ngày ra thông báo. Trường hợp chủ đầu tư không bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo đúng thời hạn quy định, Bộ Tài chính có văn bản từ chối xem xét cấp Giấy phép.
  • Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính phải cấp hoặc từ chối cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.
  1. Những thủ tục cần thực hiện sau khi có giấy phép
  • Sau khi có giấy phép thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải xin Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và thực hiện các thủ tục được quy định tại Điều 16 Nghị định 73/2016/NĐ-CP
  • Khắc dấu-in bảng hiệu
  • Thông báo phát hành hóa đơn điện tử và tài khoản ngân hàng
  • Khai thuế ban đầu

Tài liệu tham khảo:

LUẬT DOANH NGHIỆP số: 59/2020/QH14

NGHỊ ĐỊNH Số: 01/2021/NĐ-CP

LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

NGHỊ ĐỊNH 73/2016/NĐ-CP

Trên đây là tư vấn của chúng tôi nhằm giải đáp thắc mắc thủ tục mở công ty kinh doanh bảo hiểm. Luật Hồng Phúc đơn vị chuyên thực hiện, hỗ trợ quý khách hàng thủ tục mở công ty kinh doanh bảo hiểm với chi phí hợp lý trong thời gian nhanh nhất. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua:

Hotline: 090.234.6164 –0964.049.410 hoặc liên hệ qua emai: info@luathongphuc.vn hoặc anhpham@luathongphuc.vn.

Về tác giả

  1. Vũ Nguyễn

    LUẬT HỒNG PHÚC được thành lập với mục đích cung cấp các giải pháp về thành lập doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài và các dịch vụ khác cho doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp – hiệu quả – tối ưu hóa chi phí. Do đó hiện nay chúng tôi vinh dự trở thành nơi tin cậy và là chỗ dựa vững chắc của hơn 800 doanh nghiệp trên khắp cả nước. Chúng tôi Cam kết mang đến bạn sự hài lòng cả về chất lượng và mức giá.

Thông tin liên quan