thủ tục ủy thác nhập khẩu?
Với sự hội nhập kinh tế ngày càng phát triền thì việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước trên thế giới về Việt Nam hiện nay diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên nhiều công ty nhỏ lẻ mới thành lập vẫn chưa thể biết rõ các thủ tục về hải quan. Vì vậy cần có một doanh nghiệp trung gian hỗ trợ các công ty này giải quyết vấn đề thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Các công ty trung gian này được gọi là bên nhận ủy thác nhập khẩu.
Vậy, Ủy thác nhập khẩu là gì? Vì sao phải ủy thác nhập khẩu? Thủ tục ủy thác nhập khẩu như thế nào? Sau đây, luật Hồng Phúc xin trả lời thắc mắc trên thông qua Thủ tục ủy thác nhập khẩu như sau:
- Ủy thác nhập khẩu là gì?
Theo Luật thương mại năm 2005 quy định: “Uỷ thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác”.
Theo nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định “Thương nhân được ủy thác cho thương nhân khác xuất khẩu, nhập khẩu hoặc được nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu từ thương nhân khác các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu”.
Như vậy chúng ta có thể hiểu: Ủy thác nhập khẩu là hoạt động thương mại, theo đó Bên ủy thác được ủy thác cho thương nhân khác (Bên nhận ủy thác) nhập khẩu các loại hàng hóa với danh nghĩa của bên nhận ủy thác, trừ hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
- Vì sao phải ủy thác nhập khẩu?
Có rất nhiều lý do để các cá nhân, tổ chức thuê một đơn vị chuyên làm hoạt động nhập khẩu để ủy thác. Sau đây tôi có thể đưa ra một số lý do cơ bản như sau:
- Thứ nhất: theo quy định của pháp luật thì đối tượng được phép nhập khẩu phải là thương nhân. Như vậy trong một số trường hợp cá nhân, tổ chức không phải thương nhận thì họ buộc phải ủy thác cho đơn vị trung gian thực hiện hoạt động nhập khẩu hàng hóa thay cho mình dưới danh nghĩa của họ.
- Thứ hai: có thể các cá nhân, tổ chức có đủ các điều kiện để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tuy nhiên họ không đủ chuyên môn nghiệp vụ khi thực hiện các thủ tục với bên hải quan. Thì họ có thể thuê đơn vị trung gian thực hiện hoạt động nhập khẩu hàng hóa, đơn vị này sẽ hoàn tất các thủ tục hải quan, thủ tục nhập khẩu.
- Thứ ba: Có một số mặt hàng khó nhập khẩu, cần nhiều thủ tục, giấy tờ. Bên mua không muốn chậm tiến độ có thể thuê đơn vị trung gian nhập khẩu hàng hóa, trong thời gian đó có thể học hỏi thêm rồi sau có thể tự mình tiến hành các thủ tục để nhập khẩu hàng hóa,…
- Thủ tục ủy thác nhập khẩu
Chủ thể:
- Bên ủy thác: Thương nhân; tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân;
- Bên nhận ủy thác: Thương nhân.
Hàng hóa được phép nhập khẩu:
- Tất cả các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, bên ủy thác hoặc bên nhận ủy thác phải có giấy phép nhập khẩu trước khi ký hợp đồng ủy thác.
Ký hợp đồng ủy thác nhập khẩu: Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác:
- Quyền của bên uỷ thác: Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các quyền sau đây:
- Yêu cầu bên nhận uỷ thác thông báo đầy đủ về tình hình thực hiện hợp đồng uỷ thác;
- Không chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật.
- Nghĩa vụ của bên uỷ thác: Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
- Trả thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác cho bên nhận ủy thác;
- Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;
- Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên uỷ thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận ủy thác:
- Quyền của bên nhận uỷ thác: Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các quyền sau đây:
- Yêu cầu bên uỷ thác cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
- Nhận thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác;
- Không chịu trách nhiệm về hàng hoá đã bàn giao đúng thoả thuận cho bên uỷ thác.
- Nghĩa vụ của bên nhận uỷ thác: Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện mua bán hàng hoá theo thỏa thuận;
- Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
- Thực hiện các chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với thoả thuận;
- Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác;
- Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
- Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;
- Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra
Căn cứ pháp lý:
- Luật thương mại 2005;
- Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Như vậy Luật Hồng Phúc đã giới thiệu đến quý khách hàng về khái niệm ủy thác nhập khẩu, lý do vì sao lại có ủy thác nhập khẩu, thủ tục nhập khẩu theo quy định mới nhất. Qúy khách hàng có thể liên hệ công ty Luật Hồng Phúc để được hỗ trợ thêm thông qua:
Hotline: 090 234 6164 – 0964 049 410
Emai: info@luathongphuc.vn/anhpham@luathongphuc.vn