Sản xuất rượu thủ công để kinh doanh không phải một nghề quá xa lạ. Nhưng không phải ai cũng biết muốn kinh doanh hợp pháp thì bắt buộc phải được xin giấy phép sản xuất rượu thủ công của cơ quan có thẩm quyền. Bài viết dưới đây, Luật Hồng Phúc xin giới thiệu đến quý bạn đọc về đơn đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
- GIẤY PHÉP SẢN XUẤT RƯỢU THỦ CÔNG CÓ BẮT BUỘC KHÔNG?
Tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định về sản xuất rượu thủ công: “Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp”.
Do rượu là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, nên doanh nghiệp/hộ kinh doanh/tổ chức trước khi chính thức kinh doanh sản xuất rượu thủ công bắt buộc phải có Giấy phép sản xuất rượu là giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Trường hợp sản xuất rượu thủ công để kinh doanh mà không được cấp phép, nếu bị phát hiện sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định.
Như vậy, giấy phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh là bắt buộc, trường hợp vi phạm không có giấy phép có thể bị phạt tiền từ 10 triệu – 15 triệu đồng.
- ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP SẢN XUẤT RƯỢU THỦ CÔNG
Để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh, thương nhân phải đáp ứng điều kiện cơ sở sản xuất rượu thủ công sau:
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; đáp ứng đủ điều kiện về ngành nghề kinh doanh
- Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.
Có thể thấy, trước khi thực hiện thủ tục xin giấy phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh, thương nhân phải có trách nhiệm thực hiện một số thủ tục hành chính khác liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa.
III. THỦ TỤC XIN GIẤY PHÉP SẢN XUẤT RƯỢU THỦ CÔNG ĐỂ KINH DOANH
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Muốn thực hiện bất kỳ thủ tục hành chính nào thì chuẩn bị hồ sơ là bước không thể thiếu. Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, chính xác giúp thực hiện thủ tục nhanh chóng, tránh mất thời gian, tiền bạc để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP (có sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP), hồ sơ xin giấy phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh bao gồm văn bản, giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo mẫu
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã/hộ kinh doanh.
- Bản sao hợp lệ Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm,
- Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.
- Văn bản ủy quyền cho tổ chức/ cá nhân thực hiện thủ tục
Cơ sở sản xuất rượu thủ công để kinh doanh phải lập 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Trong đó, 1 bộ gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, bộ còn lại được lưu tại trụ sở tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Thương nhân xin giấy phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền, cụ thể theo khoản 1 Điều 25 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP (có sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP) là Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã) nơi đặt cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo hai cách:
- Cách 1: Nộp tại Bộ phận một cửa thuộc UBND cấp huyện hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện.
- Cách 2: Nộp qua Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh/thành phố nơi cơ sở sản xuất rượu đặt trụ sở chính
Bước 3: Nhận kết quả
Thời hạn 10 ngày làm việc, từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho cơ sở sản xuất rượu thủ công để kinh doanh. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung gửi đến tổ chức/ cá nhân đã gửi hồ sơ xin giấy phép.
Lưu ý: Thương nhân nên lưu ý thời hạn của Giấy phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh chỉ có 05 năm, tính từ ngày cấp. Do đó trước thời điểm hết hiệu lực của giấy phép 30 ngày, cơ sở sản xuất rượu phải có văn bản đề nghị cấp lại giấy phép gửi tới cơ quan có thẩm quyền để được xem xét.
Bước 4: Lưu giữ giấy phép
Giấy phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh sau khi cấp phải được lập và lưu thành 04 bản theo quy định của pháp luật:
- 02 bản lưu tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép
- 01 bản gửi cơ sở được cấp giấy phép
- 01 bản gửi Sở Công Thương nơi cơ sở sản xuất rượu đặt trụ sở chính
- CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật An toàn thực phẩm năm 2010
- Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/09/2017 về kinh doanh rượu.
- Nghị định số 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 05/02/2020 sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương.
- Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Như vậy Luật Hồng Phúc đã giới thiệu đến quý khách hàng toàn bộ quy trình xin giấy sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Qúy khách hàng có thể liên hệ công ty Luật Hồng Phúc để được tư vấn hỗ trợ thêm thông qua:
Hotline: 090 234 6164 – 0964 049 410
Emai: info@luathongphuc.vn/anhpham@luathongphuc.vn